Hệ sinh thái khởi nghiệp cần vai trò của Nhà trường và Doanh nghiệp

thứ bảy - 02 tháng 11 2019 lúc 15:46:28
Chiều 19/2 Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành GD-ĐT”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự còn có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Hệ sinh thái khởi nghiệp cần vai trò chủ đạo của Nhà trường và Doanh nghiệp

Thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, trong năm 2018 Bộ GD - ĐT đã triển khai 3 hội nghị phổ biến, quán triệt đề án. Tổ chức 11 lớp tập huấn dành cho đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Tổ chức hành trình sáng tạo tại 3 khu vực với gần 5 nghìn sinh viên tham gia. Các hội thảo thắp lửa và cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo được triển khai và tổ chức sôi nổi ở các trường với gần 200 ý tưởng khởi nghiệp. Bộ GD - ĐT đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên năm 2018 với 15 ý tưởng khởi nghiệp tham gia. 3 giải nhất khối sinh viên được ông nguyễn Xuân Phú và tập đoàn Sunhouse cam kết đầu tư.

Đề án khởi nghiệp trong học sinh sinh viên là rất cần thiết

Tham gia Hội thảo nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành GD-ĐT. Cụm từ “Khởi nghiệp” lại được nhắc đến nhiều. Nhưng nó ở phần trên cùng của Kim tự tháp. Tuy nhiên, phần đế Sáng tạo và phần giữa Đổi mới của Kim tự tháp lại chưa được chú trọng. Việc ra đời Đề án 1665 của Chính phủ về việc hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 là rất cần thiết. Đề án góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho Kim tự tháp Sáng tạo – Đổi mới – Khởi nghiệp. Đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nâng cao khả năng tạo ra nhiều doanh nhân khởi nghiệp.

Nguyễn Trung Dũng- Tổng Giám đốc BK Holdings: Đề án góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho Kim tự tháp Sáng tạo – Đổi mới – Khởi nghiệp
Nguyễn Trung Dũng- Tổng Giám đốc BK Holdings: Đề án góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho
Kim tự tháp Sáng tạo – Đổi mới – Khởi nghiệp

Để thực hiện được mục tiêu này phải tạo ra nhiều doanh nhân khởi nghiệp, bởi họ là chủ thể của quá trình tạo nên doanh nghiệp khởi nghiệp. Muốn có doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta phải có môi trường nuôi dưỡng họ và đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp. Doanh nhân, họ vừa là chủ thể kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng đồng thời là sản phẩm của hệ sinh thái khởi nghiệp. Và nếu chúng ta có hệ sinh thái tốt thì sẽ có nhiều doanh nhân tốt được sản sinh ra.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi: nếu chúng ta có hệ sinh thái tốt thì sẽ có nhiều doanh nhân tốt được sản sinh ra
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: nếu chúng ta có hệ sinh thái tốt thì sẽ có nhiều doanh nhân tốt được sản sinh ra

Do đó vai trò của các trường đại học sẽ là đơn vị tiên phong trong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu nhà trường. Các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên

Cũng có đại biểu cho rằng không phải sinh viên nào cũng có thể khởi nghiệp. Trong 1 nghìn sinh viên có 100 người quan tâm, và chỉ có 1 vài sinh viên thực sự có ý tưởng và theo đuổi khởi nghiệp. Do đó chúng ta cần có sự lựa chọn khi triển khai dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ cấp cơ sở chứ không chỉ chạy theo phong trào.

Sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng

Đối với các doanh nghiệp đến dự cũng đã đóng góp nhiều ý kiến. Khi doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ là bà đỡ, là bệ phóng cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Sinh viên nói chung và sinh viên tham gia khởi nghiệp cần phải được trang bị kỹ năng trải nghiệm doanh nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy và định vị bản thân…

CEO Novaedu Đỗ Mạnh Hùng: Sinh viên còn thiếu trải nghiệm doanh nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp
CEO Novaedu Đỗ Mạnh Hùng: Sinh viên còn thiếu trải nghiệm doanh nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp

Tham gia dự Hội thảo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhấn mạnh: vai trò của các nhà trường như những tế bào được kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Khởi nghiệp là hoạt động cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan mà lựa chọn một số cơ sở giáo dục làm tốt để hình thành nên những nhóm khởi nghiệp mạnh. Từ đó kết nối một cách tự nhiên. Động lực khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến vai trò của doanh nghiệp trong việc kích hoạt sự sáng tạo của người học; khi doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, người học sẽ đến gần hơn với thị trường lao động, được học cách khởi nghiệp và được hun đúc tinh thần khởi nghiệp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: vai trò của các nhà trường như những tế bào được kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: cần kết hợp vai trò của các nhà trường và doanh nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì cho rằng: Muốn sinh viên khởi nghiệp tốt cần dựa trên nền tảng trí tuệ và công nghệ. Do đó nguồn nhân lực là học sinh sinh viên cần được cung cấp kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp. Trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Kết hợp với các doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng cho sinh viên nói chung và sinh viên khởi nghiệp nói riêng. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho học sinh sinh viên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: lãnh đạo nhà trường cần thay đổi nhận thức về hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh sinh viên
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: lãnh đạo nhà trường cần thay đổi nhận thức về
hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh sinh viên

Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia muốn bền vững phải tính đến nền tảng là thế hệ trẻ. Những người đang bắt đầu từ hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời huy động nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của của các lực lượng xã hội đóng góp cho hoạt động này.